Kháng sinh dự phòng
  
Translated

Danh từ. sử dụng kháng sinh với mục đích dự phòng nhiễm khuẩn

 

“Kháng sinh dự phòng thường được dùng trước khi phẫu thuật để giảm thiểu nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở”.

 

Kiến thức bổ trợ

Sử dụng kháng sinh dự phòng trên người và động vật

 

Trước đây, kháng sinh dự phòng được sử dụng rộng rãi trên người và động vật. Sau khi thuốc penicillin được phát hiện vào năm 1928, việc sử dụng kháng sinh đã làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn vết thương trong nhiều thủ thuật y học.[1] Ban đầu, việc sử dụng kháng sinh dự phòng không được quy định chặt chẽ. Do việc sử dụng kháng sinh trở nên phổ biến, dẫn đến sự gia tăng của tình trạng kháng kháng sinh và các nhiễm khuẩn mắc phải tại bệnh viên do các vi khuẩn kháng kháng sinh gây ra. Trong chăn nuôi, thuốc kháng sinh được sử dụng để phòng bệnh tật cho vật nuôi, và kích thích tăng trưởng.

 

Ngày nay, việc sử dụng kháng sinh dự phòng đã giảm so với 10 năm trước, do tác động của sự gia tăng của tình trạng kháng thuốc, sự biến đổi của vi khuẩn gây bệnh và các tiến bộ trong chẩn đoán nhiễm khuẩn.

 

Nhiều tài liệu y văn vẫn khuyến cáo sử dụng kháng sinh dự phòng trước khi tiến hành những ca phẫu thuật lớn nhằm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, thời gian sử dụng kháng sinh dự phòng đã được rút ngắn một cách đáng kể, và không khuyến cáo sử dụng kháng sinh dự phòng kéo dài sau khi phẫu thuật. Dự phòng kháng sinh cũng không còn được khuyến cáo sử dụng trong các thủ thuật nha khoa, trừ khi bệnh nhân có ghép van tim hoặc bị thấp tim.

 

Năm 2017, Tổ chức Y Tế Thế giới khuyến cáo hạn chế việc sử dụng tất cả các loại kháng sinh quan trọng dùng trong sản xuất thực phẩm, bao gồm cấm sử dụng thuốc kháng sinh với mục đích tăng trưởng và phòng bệnh trên vật nuôi. [2] Thuốc kháng sinh chỉ được phép dùng dự phòng nếu trong đàn có vật nuôi mắc bệnh.

 

Điều đáng chú ý là tại các nước đang thúc đẩy chiến dịch ngừng sử dụng thuốc kháng sinh với mục đích tăng trưởng, thì việc sử dụng kháng sinh dự phòng lại tăng lên. Do đó, tổng lượng kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi không thay đổi, thậm chí là có xu hướng gia tăng.[3] Do đó, điều quan trọng là tuân theo khuyến cáo của WHO để hạn chế việc sử dụng kháng sinh dự phòng khi không có chẩn đoán.

 

Các lựa chọn thay thế cho kháng sinh trong phòng bệnh ở động vật bao gồm các biện pháp cải thiện điều kiện vệ sinh, vắc-xin phòng bệnh, cải tiến thực hành chăn nuôi và hạ tầng chuồng nuôi.

 

Tài liệu tham khảo

1 Westerman, E. L. (1984). Antibiotic prophylaxis in surgery: Historical background, rationa1e, and relationship to prospective payment. American Journal of Infection Control,12(6), 339-343. doi:10.1016/0196-6553(84)90007-5

2 WHO. (2018). Global guidelines for the prevention of surgical site infection, second edition (2nd ed.). Geneva, Switzerland: World Health Organization. ISBN 978 92 4 155047 5

3 WHO. (2017, November 7). Stop using antibiotics in healthy animals to preserve their effectiveness. Retrieved from https://www.who.int/news-room/detail/07-11-2017-stop-using-antibiotics-in-healthy-animals-to-prevent-the-spread-of-antibiotic-resistance

4 Mevius, D., & Heederik, D. (2014). Reduction of antibiotic use in animals “let’s go Dutch”. Journal Für Verbraucherschutz Und Lebensmittelsicherheit,9(2), 177-181. doi:10.1007/s00003-014-0874-z

Từ liên quan
Từ phổ biến
Tải về

Tải bộ từ điển Kháng Kháng Sinh tại đây